Chứng khoán sẽ có diện mạo mới

Cần hướng đến mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán ổn định, an toàn, hiệu quả, bền vững, có khả năng chống chịu rủi ro, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế

Bộ Tài chính vừa xin ý kiến Thủ tướng về dự thảo quyết định “Phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đến năm 2030” với nhiều mục tiêu quan trọng, trong đó có mục tiêu số nhà đầu tư chứng khoán đạt 10% dân số vào năm 2030. Năm 2002, trung bình mỗi tháng có khoảng 220.000 tài khoản mở mới; lũy kế đến hết tháng 10-2022, toàn thị trường có hơn 6,7 triệu tài khoản.

Quy mô thị trường đạt 100%-120% GDP

Dự thảo của Bộ Tài chính nêu rõ mục tiêu tăng cường liên kết và hội nhập quốc tế, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa TTCK Việt Nam so với các nước phát triển, phấn đấu nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế.

Theo dự thảo, quy mô thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 100% GDP vào năm 2025 và 120% GDP năm 2030; quy mô thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP (trái phiếu doanh nghiệp đạt 20% GDP) vào năm 2025 và 58% GDP (trái phiếu doanh nghiệp đạt 25% GDP) năm 2030. Chứng khoán phái sinh tăng trung bình 20%-30%/năm trong giai đoạn 2021-2030.

Thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến khó lường, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách đưa ra giải pháp quản lý hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.

Đáng chú ý, dự thảo đặt mục tiêu số lượng nhà đầu tư trên TTCK bằng 8% dân số vào năm 2025 và 10% dân số vào năm 2030. Trong đó, tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, tỉ trọng trái phiếu Chính phủ từ nhà đầu tư là tổ chức phi ngân hàng nắm giữ tăng từ 55% năm 2025 lên 60% vào năm 2030.

Để đạt mục tiêu đề ra, Bộ Tài chính đề cập nhiều giải pháp như: hoàn thiện khung pháp lý; tăng cường năng lực quản lý, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm; tăng cung cho thị trường và cải thiện chất lượng nguồn cung; hiện đại hóa cơ sở hạ tầng – thông tin trên TTCK…

Phải tạo niềm tin cho nhà đầu tư

Một nhà đầu tư lâu năm cho rằng những vụ thao túng thị trường bị phát hiện, xử lý gần đây đã giúp TTCK “sạch”, lành mạnh hơn. Tuy nhiên, những bất ổn trên TTCK ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư, khiến nhiều người vội vã rút khỏi thị trường hoặc “nằm im” chờ đợi. “Nhà đầu tư rất cần niềm tin, động lực để tham gia thị trường trở lại thông qua những chính sách, chế tài hợp lý, tạo điều kiện cho họ” – nhà đầu tư này đặt vấn đề.

Nhà đầu tư này cũng góp ý do TTCK nước ta còn non trẻ, chưa bền vững nên Chính phủ cần cân nhắc trong việc phát triển thị trường phái sinh để tránh tạo kẽ hở cho những hoạt động thao túng. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, có tăng trưởng tốt lên sàn nhằm tăng nguồn cung chất lượng cao, làm đa dạng sự lựa chọn cho nhà đầu tư.

“Không có hàng hóa tốt thì không thu hút được nhà đầu tư tham gia thị trường. Để đạt mục tiêu số lượng nhà đầu tư bằng 10% dân số vào năm 2030, cần có cơ chế, chính sách phát triển TTCK ổn định, an toàn, hiệu quả, bền vững, có khả năng chống chịu rủi ro, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế” – nhà đầu tư nêu trên phân tích.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Đông Á, cho rằng để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia TTCK, các cơ quan quản lý phải có kế hoạch hành động cụ thể, bám sát chủ trương, mục tiêu của Chính phủ đề ra. Theo đó, không cần thiết đưa ra quá nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư mà cần tạo niềm tin vững chắc để họ yên tâm tham gia TTCK.

Theo TS Lê Đạt Chí, Phó Trưởng Khoa Tài chính – Trường ĐH Kinh tế TP HCM, Nghị quyết 86/2022 của Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP; dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP. Năm 2022, quy mô GDP dự kiến đạt 394,5 tỉ USD, nếu duy trì tăng trưởng kinh tế 6%/năm thì đến năm 2025, quy mô GDP dự kiến là 470 tỉ USD. Với vốn hóa TTCK hiện chưa đến 250 tỉ USD, để đạt mục tiêu này, đòi hỏi vốn hóa tăng khoảng 220 tỉ USD trong 2-3 năm tới.

TS Lê Đạt Chí cũng cho rằng nếu đặt mục tiêu TTCK trở thành kênh huy động vốn cho nền kinh tế thì phải tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Một số chính sách đưa ra thời gian qua khiến nhà đầu tư mới tham gia thị trường gặp rủi ro khó lường. Tình trạng cổ phiếu, trái phiếu phát hành tràn lan, thiếu kiểm soát, điển hình là nhóm cổ phiếu liên quan Tập đoàn FLC hay trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, cũng đẩy nhà đầu tư rơi vào “cạm bẫy”.

“Việc đặt mục tiêu số lượng nhà đầu tư chứng khoán đạt 10% dân số là không cần thiết. Thay vào đó, nên đẩy mạnh phát triển các quỹ đầu tư chuyên nghiệp bởi quỹ này hoạt động bền vững và đem lại nhiều giá trị hơn cho thị trường” – TS Lê Đạt Chí góp ý.

Theo Sơn Nhung

Người Lao động

Bài viết liên quan

Công ty nghiên cứu phát triển và tung ra thị trường sản phẩm mới

Công ty nghiên cứu phát triển và tung ra thị trường sản phẩm mới

13/12/2023

Ở các nông trại tại Mỹ, chậu cây nói chung và chậu cây có móc treo nói riêng luôn là sản phẩm được sử dụng rất nhiều. Sau một thời gian khảo sát thị trường, Công ty đã nghiên cứu phát triển và chuẩn bị tung ra thị trường sản phẩm chậu cây. Chất liệu: […]

LỄ KỶ NIỆM THÀNH LẬP 20 NĂM CÔNG TY

LỄ KỶ NIỆM THÀNH LẬP 20 NĂM CÔNG TY

30/03/2023

Hôm qua ngày 28/03/2023, Lễ kỷ niệm thành lập lần thứ 20 của Công ty (2003 – 2023) đã được tổ chức tại Trụ sở chính Công ty, thay mặt Hội đồng quản trị và Ban Tổng giám đốc, Công ty Cổ phần Đầu tư DNA thân gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến […]

Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023

Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023

30/03/2023

[ĐẠI HỘI ĐỒNG CỔ ĐÔNG THƯỜNG NIÊN NĂM 2023] Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Công ty Cổ phần Đầu tư DNA đã diễn ra thành công tốt đẹp vào ngày 28/03/2023 vừa qua Tại Đại hội, đại diện Hội đồng quản trị, Ban Tổng Giám đốc, Ban kiểm soát Công […]